Đại Nhật Như Lai Và 6 Điều Cần Biết Về Ngài

Đại Nhật Như Lai hay Như Lai Đại Nhật có một vị trí vô cùng quan trọng trong vũ trụ quan Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Mật tông Tây Tạng, Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa. Ngài là vị Phật đại diện cho trí tuệ toàn vẹn, là ánh sáng tinh khiết soi rọi hướng đi cho người tu hành đạt đến sự giác ngộ trên con đường tu học.

Vậy Ngài Đại Nhật Như Lai là vị Phật như thế nào? Hình tướng của Ngài đẹp đẽ ra sao? Mời bạn hoan hỉ cùng Cao Trang tìm hiểu qua nội dung sau đây.

Ngài Đại Nhật Như Lai là vị Phật nào?

Ngài Đại Nhật Như Lai (tiếng Phạn là: Vairocana, tiếng Hán là: 大日如来) được biết đến là Pháp thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phật lịch sử đã khai sinh ra đạo Phật như hiện nay.

Theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, Phật Thích Ca có ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Hóa thân tức là thân thể Phật Thích Ca khi đản sinh và nhập diệt tại trái đất này; Báo thân là công đức vô lượng của Ngài trải qua vô lượng kiếp tu hành; Pháp thân là điều mà Ngài chứng ngộ được hay còn gọi là Chân Như – chính là Đại Nhật Như Lai.

Đại Nhật Như Lai nằm ở trung tâm bức tranh Mạn Đà La
Đại Nhật Như Lai nằm ở trung tâm bức tranh Mạn Đà La

Ghi chép trong cuốn Tây Tạng Sinh Tử Kỳ Thư có đề cập đến vị trí của Đại Nhật Như Lai. Cụ thể, cuốn sách chia vũ trụ thành 5 hướng. Mỗi hướng được trụ bởi một vị Phật gọi là Ngũ Phương Phật hay Ngũ Trí Như Lai.

Cụ thể, ở phương Đông là Nước Phật Diệu Lạc (Abhirati) của A Súc Bệ Như Lai (Akshobhya); ở phương Tây là Thế giới Cực Lạc hay Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati) của Phật A Di Đà (Amitabha); ở phương Nam là nước Phật giáo Vinh Diệu (Shiramat) của Bảo Sinh Như Lai (Ratnasambhava); ở phương Bắc là Nước Phật Diệu Hạnh Thành Tựu (Karmasampat) của Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi). Và ngự tại vị trí trung tâm vũ trụ là Nước Phật Mật Nghiêm (Ghanavyuha) của Ngài Đại Nhật Như Lai.

Như vậy, trong vũ trụ quan của Phật giáo Tây Tạng, Đại Nhật Như Lai là vị Phật nằm chính giữa và đứng đầu trong 5 vị Phật tối cao (hay 5 bộ Phật). Ngài là đại diện cho ánh sáng (Đại Nhật có thể dịch là “mặt trời vĩ đại”) của trí tuệ, soi sáng khắp những ngóc ngách u tôi, vô minh trong tâm, dẫn dắt người bước vào cửa đạo đến với con đường giác ngộ, giải thoát.

Giải nghĩa các hồng danh Ngài Đại Nhật Như Lai

Ngài Như Lai Đại Nhật có nhiều hồng danh khác nhau như: Tỳ Lô Giá Na, Tỳ Lư Giá Na, Biết Nhất Thiết Xứ, Quang Minh Biến Chiếu và trong tiếng Phạn hồng danh của Ngài là Maha Vairocana.

Trong Phạn ngữ, Vairocana có nghĩa là “biến chiếu”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải nghĩa chữ Vairocana trong cuốn thuật ký Đại Nhật Kinh có nghĩa là “mặt trời”, cũng có nghĩa là soi sáng cùng khắp, diệt trừ chỗ u ám.

Tuy nhiên, nếu như mặt trời của thế gian chỉ có thể chiếu sáng với một mức độ nhất định; ranh giới chiếu sáng hạn chế; chỉ có thể chiếu sáng cái bề mặt chứ không chiếu sáng được bản chất, cái ẩn tàng tận sâu bên trong; chỉ chiếu sáng ban ngày còn ban đêm thì không thể chiếu sáng nữa. Còn ánh sáng của Ngài Đại Nhật Như Lai thì không có giới hạn nào cả, có thể chiếu sáng khắp mọi phương, chẳng kể trong – ngoài, ngày – đêm… Ánh sáng của Ngài là bất diệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *